onyx9

Model loa mới nhất được Harman Kardon ra mắt vào tháng 9/2024

Goplay3

HARMAN KARDON GO PLAY 3

Mẫu loa di động đỉnh nhất 2024, nâng cấp toàn diện 3 đường tiếng, 160W, sub gầm. Mua ngay kẻo lỡ.

MANIA

Siêu phẩm DEVIALET MANIA

Đỉnh cao loa di động, AirPlay 2, Spotify Connect, Bluetooth 5.0

BEOLIT20

Loa di động cao cấp công suất 70W, âm thanh 360 độ, âm tinh tế, sáng chi tiết, gia công đỉnh cao.

previous arrow
next arrow

Đánh giá loa bluetooth TRONSMART STUDIO

Là chiếc loa bluetooth đầu tiên của Tronsmart sở hữu lớp vỏ bên ngoài bằng kim loại, Studio không chỉ được tăng cường về độ bền mà còn có sự cải thiện nhất định về chất lượng âm thanh, đặc biệt là dải âm trầm. Đây có thể là tiền đề để Tronsmart mở ra một hướng đi mới cho dải sản phẩm loa bluetooth của mình.

Cách đây không lâu, Tronsmart đã chính thức cho ra mắt mẫu loa bluetooth mới mang tên Studio. Thuộc nhóm sản phẩm loa trong nhà (in-door), Studio gây ấn tượng khi là model đầu tiên của Tronsmart sở hữu lớp vỏ ngoài bằng kim loại, với kỳ vọng nâng cao độ bền cũng như cải thiện chất lượng âm thanh. Studio hiện đang được bán tại gian hàng chính hãng của Tronsmart trên các sàn thương mại điện tử Shopee và Lazada với mức giá khoảng 1,5 triệu đồng.

Thiết kế cổ điển, tối giản

Trước đây là Mega và Mega Pro, giờ là Studio, loa bluetooth trong nhà của Tronsmart đều được định hướng thiết kế tối giản, cổ điển và có phần cũ kỹ. Studio mang dáng hình khối nằm ngang, thân dài (80 x 45 x 45 mm), trọng lượng khoảng 961 gram. Góc dưới mặt trước loa có logo Tronsmart bằng kim loại, một nét chấm phá hiếm hoi trên toàn bộ thiết kế của Studio.

Điểm đặc biệt của Studio nằm ở lớp vỏ nhôm nguyên khối, các góc cạnh được cắt vát bo tròn khá mềm mại, khi cầm lên rất đã tay và cho cảm giác chắc chắn. Tronsmart Studio có duy nhất phiên bản màu đen, đáng tiếc là chúng rất dễ bám vân tay và cần phải lau chùi thường xuyên. Theo Tronsmart, lớp vỏ nhôm của Studio giúp chúng ta “tận hưởng âm thanh lossless với độ trung thực cao”, tuy không giải thích gì thêm nhưng có thể hiểu rằng điều này tác động tới sự cộng hưởng và khuếch tán của âm thanh, từ đó mang đến những thay đổi theo hướng tích cực.

Các nút điều khiển của Tronsmart Studio được đặt ở phía trên, với các tác vụ cơ bản như bật tắt nguồn, tăng giảm âm lượng, kết nối bluetooth, kích hoạt TuneConn và SoundPulse. Tại đây cũng có một vài đèn LED để báo thời lượng pin còn lại, với các mức tương ứng 25-50-75 và 100%. Sẽ tốt hơn nếu các nút bấm này có đèn nền phía dưới để chúng ta tiện thao tác trong phòng tối. Vì các nút được làm bằng cao su nên chúng cũng rất dễ tích tụ bụi bẩn, người dùng nên chú ý.

Phía sau, Tronsmart Studio có một số cổng kết nối, bao gồm khe gắn thẻ microSD để nghe nhạc trực tiếp từ thẻ, jack AUX 3.5 mm và cổng sạc USB-C. Có thể thấy Studio không có cổng USB-A, đó là vì chiếc loa này không kiêm chức năng sạc dự phòng như một số mẫu loa bluetooth gần đây của Tronsmart. Studio có khả năng kháng nước nhẹ IPX4, nếu chẳng may có bị bắn một chút nước lên cũng sẽ không gây ra trở ngại gì.

Phụ kiện đi kèm Studio gồm dây AUX hai đầu 3.5mm và cáp sạc Type-C

Chất âm: Bass, bass và bass

Bên trong, Tronsmart Studio được thiết kế với 4 màng loa cộng hưởng (passive radiator), 1 loa woofer và 2 loa vệ tinh, tổng công suất đầu ra là 30W. Chiếc loa tích hợp công nghệ SoundPulse độc quyền của Tronsmart, về cơ bản là một thuật toán độc quyền nâng cấp từ DSP (Digital Audio Processing) hoạt động cùng chip tuỳ chỉnh và khoang công suất lớn. Tuy Studio không phải loa bluetooth đầu tiên của Tronsmart tích hợp SoundPulse, đây là lần đầu tiên Tronsmart cho phép bật/tắt công nghệ này, thông qua phím bấm vật lý và ứng dụng.

Nhắc đến ứng dụng, Studio cũng là loa bluetooth đầu tiên nằm trong danh sách được hỗ trợ bởi ứng dụng Tronsmart “chính chủ”. Tại đây, người dùng có thể cập nhật firmware nếu có, cũng như tùy chỉnh equalizer với 8 thiết lập có sẵn của Tronsmart. Người viết nhận định profile Sound Pulse cho chất âm tốt nhất, mang lại sự khác biệt rõ rệt ở cả ba dải âm so với khi tắt.

Công suất 30W giúp Tronsmart Studio có thể khuấy động căn phòng 30-40m2. Khi đẩy âm lượng lên mức 90% thì loa bắt đầu xuất hiện hiện tượng rè, và rõ rệt hơn khi đẩy lên 100%. Dù vậy, với nhu cầu nghe nhạc giải trí bên bàn làm việc hoặc phòng khách, mức âm lượng 50-60% đã là đủ đáp ứng.

Về tổng thể, Tronsmart Studio có chất âm dạng V-shape, với dải bass khá “hoành tráng”, xuống sâu và chắc, punchy. Low-mid nhận được lực và độ ấm từ dải bass nên có sức nặng, phù hợp với các bài hát có vocal giọng trầm ấm. High-mid của Studio không quá sáng, nhưng nhờ vậy mà loại bỏ được sibilance trong bài hát. Treble của loa ở mức tròn vai, tiếng guitar hay violin sáng rõ mà không bị quá gai gắt. Có thể nói Studio là một loa bluetooth thiên về nhạc điện tử và hip hop, nhưng “đánh tạp” sang các genre khác như Pop Ballad cũng gặp gì khó khăn.

Với Poker Face, chất giọng khàn đặc trưng của Lady Gaga được thể hiện rất sinh động trên nền nhạc electropop, sub-bass rền vang. Nhưng khi chuyển sang The Playah của Soobin Hoàng Sơn, khi chàng ca sĩ lên cao trào ở phân đoạn Tháng năm, vocal bị chìm hơn so với người viết kỳ vọng, sự bùng nổ cũng vì vậy bị giảm đi đôi chút. Tuy nhiên, nó vẫn ở mức chấp nhận được với một chiếc loa bluetooth trong tầm giá 1,5 triệu đồng.

Studio được tích hợp TuneConn của Tronsmart, theo mô tả thì đây là một tính năng cho phép Studio đồng bộ với hơn 100 chiếc loa Studio khác (?) để mang lại trải nghiệm đồng nhất. Hiện tại người viết chỉ có sẵn một chiếc loa nên không thể thử nghiệm tính năng này, nhưng TuneConn có thể là một tính năng hay ho nếu bạn mở một buổi tiệc nho nhỏ tại gia và muốn đồng bộ âm thanh giữa các phòng với nhau.

Với viên pin 2.000 mAh, khá bất ngờ khi Tronsmart cho biết Studio mang lại thời gian chơi nhạc lên tới 15 tiếng ở âm lượng 50%. Trải nghiệm thực tế, con số người viết ghi nhận chỉ rơi vào khoảng hơn 12 tiếng, nghe nhạc qua bluetooth kết nối với điện thoại, hơi thất vọng một chút. Sạc đầy chiếc loa mất khoảng 3 tiếng, quá lâu với viên pin dung lượng thế này, và lý do là loa chỉ nhận nguồn điện đầu vào 5W (5V-1A).

Tổng kết

Là nỗ lực mới của Tronsmart trên thị trường loa bluetooth, Studio sở hữu một vài điểm nhấn trong tầm giá như vỏ ngoài nhôm cứng cáp, dải âm bass ấn tượng và Sound Pulse thực sự có tác dụng. Dù vậy, thời lượng pin thấp hơn mong đợi và thời gian sạc lâu là những điểm mà Tronsmart cần cải thiện nếu có ý định ra mắt chiếc Studio phiên bản tiếp theo. Nếu là loa in-door, tính di động không phải là yếu tố cần được đặt lên quá cao, Tronsmart nên “mạnh dạn” tăng dung lượng viên pin, dù có phải đánh đổi kích thước, đó sẽ là điều mà người dùng mong muốn.

Nguồn vnreviews

Để lại một bình luận

Your email address will not be published.